Growtech | Exhibition 2024

Cơ giới hóa thấp - điểm nghẽn của ngành nông nghiệp

2020-06-08 - 3 years ago

Là nước nông nghiệp nhưng khâu cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến nông của Việt Nam vẫn còn khá thấp so với yêu cầu.


Đó là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch còn lớn và trở thành điểm nghẽn của ngành nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đang chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19.

Để tháo gỡ điểm nghẽn này, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thông (NN-PTNT) xác định cơ giới hóa nông nghiệp là nội dung quan trọng và đề ra mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đạt từ 80-100% mức độ cơ giới hoá ở các khâu sản xuất và Triển lãm Quốc tế thiết bị & Công nghệ Nông - Lâm - Ngư nghiệp 2020 (Vietnam Growtech 2020) sẽ góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp sớm đạt mục tiêu trên.

Thất thoát trong sản xuất nông nghiệp còn quá lớn

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho biết, thất thoát sau thu hoạch nông nghiệp ở Việt Nam có thể lên tới 40 - 45%/năm. Riêng lúa gạo, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sản xuất ra 20 - 22 triệu tấn lúa/năm, nhưng tỷ lệ thất thoát trung bình từ 10 - 12%/năm, tương đương 3.000 - 3.500 tỷ đồng/năm. Đối với rau quả và trái cây tùy theo phương thức chế biến và vận chuyển, mức độ tổn thất có thể lên tới 45%. Sản phẩm thủy, hải sản cũng không phải là ngoại lệ khi tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch ở ngưỡng 35%.

 

Ảnh tại Triển lãm Growtech 2019

Theo kết quả điều tra trên cây lúa của Tổ chức DANIDA, tổn thất sau thu hoạch sẽ tùy thuộc vào mùa vụ, thời tiết, vùng sinh thái nông nghiệp và phương pháp xử lý sau thu hoạch của mỗi vụ mùa. Tính bình quân tổng thất thoát ở mỗi vụ là 11,86%, trong đó, vụ Đông Xuân 9,88%; vụ Hè Thu là 14,60% và vụ Thu Đông là 10,93%.

Thất thoát sau thu hoạch đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và đời sống của người nông dân, nhất là đối với những hộ nông dân nghèo ít đất sản xuất. Việc áp dụng công nghệ tiến bộ sau thu hoạch thay thế cho những phương pháp thu hoạch thủ công truyền thống sẽ giúp giảm bớt những tổn thất trong sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL, góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân


Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group, nếu xét tổng thể thì hiện nay ngành lúa gạo Việt Nam hoàn toàn có thể thỏa mãn yêu cầu quản lý chất lượng, nhưng theo xu hướng thị trường người mua luôn đòi hỏi chất lượng gạo phải ngày càng cao hơn và khó khăn hơn. Vì vậy, để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng khắc khe của các thị trường cao cấp, chắc chắn các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cần phải đầu tư thêm công nghệ mới trong sấy, bào quản, chế biến và đa dạng hóa sản phẩm từ gạo...

Giảm thất thoát sẽ giảm giá thành sản xuất và giúp tăng thu nhập

Theo Bộ NN-PTNT, tỷ lệ thất thoát trong và sau thu hoạch trong nông, ngư nghiệp quá lớn đã làm tăng giá thành sản xuất, giảm lợi nhuận của người nông dân. Vì vậy, tăng cường ứng dụng cơ giới hoá để giảm thất thoát sau thu hoạch là mục tiêu mà ngành nông nghiệp hướng đến, và cấp thiết là phải ứng dụng nhanh chóng những công nghệ và thiết bị tiên tiến trong thu hoạch và sau thu hoạch để giảm hơn nữa tổn thất, cải thiện hơn nữa chất lượng các sản phẩm nông sản của Việt Nam.

 

Ảnh tại Triển lãm Growtech 2019

“Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp cũng như góp phần phát triển hơn nữa thị trường thiết bị và công nghệ nông nghiệp, từ năm 2017 Công ty Cổ phần ADPEX bắt đầu tổ chức Vietnam Growtech, và trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì Vietnam Growtech 2020 dự kiến diễn ra từ ngày 28 - 30/10 càng có ý nghĩa hơn”, đại diện Công ty Cổ phần ADPEX, đơn vị tổ chức triển lãm Vietnam Growtech 2020 cho biết.

Theo đại diện Bộ Công Thương, Vietnam Growtech 2020 sẽ mang lại nhiều giá trị kinh tế cũng như đem đến những cơ hội thiết thực giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, tăng cường xuất khẩu, phát triển thị trường nội địa, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế.


Đây là cơ hội cho các cá nhân, doanh nghiệp tham quan học hỏi, kết nối và hợp tác để áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào trong sản xuất, chế biến; đảm bảo được chất lượng và đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ, mà còn là cầu nối giúp người nông dân được tiếp cận sâu hơn với các sản phẩm công nghệ cao mang tính ứng dụng trong thời đại công nghệ 4.0, nông lâm ngư nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ.

 

Ảnh tại Triển lãm Growtech 2019


Đặc biệt, năm nay triển lãm sẽ có thêm khu trưng bày các thiết bị dụng cụ làm vườn, trồng hoa, cây cảnh cũng như các thiết kế cảnh quan đô thị, các loại sinh vật cảnh hoa, cây cảnh trang trí nhà vườn, trang trí khu đô thị.

Tại hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” vào tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy và thiết bị phụ trợ cho ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu; các loại máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, các loại máy canh tác, bảo quản, chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp thuộc danh mục ưu tiên đầu tư phát triển.

Nguồn:https://bizlive.vn



+84 28 3823 9052+84 24 3516 2063